Tiểu sử Gioan_Kim_Khẩu

Thiếu thời và Học vấn

Gioan sinh năm 349 tại Antiochia,[5] cha ông là một sĩ quan cao cấp,[6] nhưng hiện vẫn chưa có sự đồng thuận về việc mẹ ông có phải là tín hữu Cơ Đốc hay không.[7] Cha của Gioan chết sớm, cậu bé được chăm sóc bởi người mẹ. Ông chịu lễ rửa tội (báp têm) trong năm 368 hoặc 373 và được chọn làm người đọc Thánh thư trong nhà thờ.[8] Nhờ những mối quan hệ của người mẹ, Gioan theo học một thầy giáo ngoại đạo Libanus. Trong thời gian này, Gioan nắm bắt những kỹ năng diễn thuyết, và bắt đầu ham thích ngôn ngữvăn chương Hy Lạp.[9] Tuy nhiên, khi trưởng thành, Gioan ngày càng quan tâm nhiều hơn về Kitô giáo, đến theo học môn thần học với Diodore thành Tarsus (về sau là một trong những thủ lĩnh trường phái Antioch). Gioan sống một đời khổ hạnh, khoảng năm 375, ông trở thành một nhà ẩn tu, suốt hai năm cứ đứng, hiếm khi ngủ, học thuộc lòng Kinh Thánh. Hậu quả là ông mắc bệnh dạ dày và thận mãn tính, suy nhược đến nỗi phải trở về Antioch.[10]

Antiochia

Năm 381, Gioan được Thánh Meletius thành Antiochia phong chức phó tế (deacon), đến năm 386 ông được Giám mục Flavian I thành Antiochia phong chức trưởng lão. Trải qua mười hai năm, ông nổi tiếng với tài hùng biện, nhất là biệt tài luận giải sâu sắc các đoạn Kinh Thánh, và những giáo huấn về các vấn đề đạo đức. Tác phẩm giá trị nhất của ông là "Tuyển tập Bài giảng", luận giải nhiều sách khác nhau trong Kinh Thánh. Gioan thường nhấn mạnh đến các việc bác ái, cũng như quan tâm đặc biệt đến các nhu cầu thể xác và tinh thần của người nghèo. Ông lớn tiếng chỉ trích sự lạm dụng, tính lãng phí, và lòng ham mê tích lũy của cải:

Anh em có muốn tôn vinh thân thể Chúa KiTô? Chớ xa lánh Chúa khi ngài đang trần truồng. Chớ tôn kính Chúa khi ngài mặc trang phục lụa là trong đền thờ, mà xa lánh Chúa khi ngài đang rách rưới, đói lạnh bên ngoài. Đấng đã nói: "Nầy là thân thể ta" cũng chính là đấng đã bảo "Vì ta đã đói, các ngươi không cho ta ăn", và "hễ các ngươi đã làm việc đó cho một người trong những người rất hèn mọn này của anh em ta, ấy là đã làm cho chính mình ta vậy"[11]... Có ích gì khi đến trước bàn Tiệc Thánh (Bí tích Thánh thể) đầy những chén thánh mạ vàng trong khi anh em chúng ta đang chết vì đói ngoài kia? Hãy đi ra mà chăm sóc những người đói khát, rồi vào mà dự lễ trước bàn thờ.[12]

Sự thấu hiểu trực tiếp ngôn từ Kinh Thánh của Gioan (đối nghịch với khuynh hướng luận giải Kinh Thánh theo nghĩa bóng thời ấy) cho thấy những chủ đề ông chọn đều tập chú vào việc giải thích và ứng dụng các giáo huấn vào cuộc sống hằng ngày. Cung cách thuyết giáo của Chrysostom giúp ông có được sự ủng hộ của đa số quần chúng. Ông thành lập một chuỗi các bệnh viện tại Constantinopolis để chăm sóc người nghèo.[13]

Một sự kiện xảy ra ở Antioch cho thấy ảnh hưởng to lớn của Chrysostom thể hiện qua sức thuyết phục của các bài thuyết giáo. Người dân thành phố, trong lúc bạo loạn, đã chặt đứt tay chân các bức tượng của Hoàng đế Theodosius I và các thành viên hoàng tộc. Suốt trong những tuần lễ của kỳ Lễ Lá năm 397, Chrysostom thuyết giáo liên tiếp 28 bài giảng, vạch ra sự sai lầm của đám đông. Những bài giảng này có ảnh hưởng lâu dài đối với người dân thành phố: nhiều người tìm đến tiếp nhận đức tin Cơ Đốc. Nhờ đó, Hoàng đế nguôi cơn giận và những biện pháp trừng phạt cũng được giảm nhẹ.[14]

Tổng Giám mục thành Constantinope

Tượng khắc Gioan Kim Khẩu tại Đại Giáo đường Thánh Patrick, Thành phố New York.

Trái với ý nguyện, năm 398 Gioan được bổ nhiệm làm Tổng Giám mục Constantinopolis. Ông phàn nàn về việc nghi thức triều đình cho phép Tổng Giám mục hưởng những đặc ân lớn hơn các quan đại thần. Trong thời gian làm Tổng Giám mục, thái độ kiên quyết khi từ chối tổ chức các buổi lễ hội xa xỉ đã khiến ông rất được lòng dân, nhưng lại trở thành cái gai trong mắt tầng lớp giàu có và giới tăng lữ, trong khi những biện pháp cải cách của ông làm gia tăng sự bất bình trong giới tăng lữ.[15]

Thời gian Chrysostom sống ở Constaninople xảy ra nhiều biến động hơn lúc ông ở Antioch. Theophilus, Thượng phụ thành Alexandria, do muốn cầm giữ Constantinopolis dưới ảnh hưởng của mình nên chống đối việc bổ nhiệm Chrysostom, và cáo buộc Gioan ủng hộ học thuyết Origen. Theophilus kỷ luật bốn tu sĩ Ai Cập vì họ theo Origen. Trong khi đó Chrysostom có thêm một kẻ thù đầy quyền lực là vợ của Hoàng đế Arcadius, Aelia Eudoxia. Eudoxia cho rằng những quở trách của Chrysostom về sự xa hoa trong trang phục là nhắm vào bà.[14]

Tùy vào quan điểm cá nhân mà có người xem Gioan là thiếu tế nhị, trong khi những người khác ca ngợi sự can đảm của ông khi quở trách những thói xấu trong giới thượng lưu. Hầu như ngay lập tức, một liên minh được hình thành bởi Eudoxia, Theophilus và những người khác nhằm chống lại Gioan. Họ triệu tập một hội nghị trong năm 403 để buộc tội Gioan có liên hệ với tà giáo Origen. Kết quả là ông bị phế truất và lưu đày. Nhưng Arcadius triệu hồi ông về vì sự phẫn uất của dân chúng.[16] Ngay trong đêm Gioan bị bắt giữ, xảy ra một trận động đất khiến Eudoxia xem đó là một dấu hiệu bày tỏ cơn thịnh nộ của Thiên Chúa.[17] Dù vậy, tình trạng hòa bình giữa những người này kéo dài chẳng được bao lâu. Khi một bức tượng Eudoxia bằng bạc được dựng lên gần ngôi đại giáo đường của ông, Gioan đã lên tiếng đả kích các buổi lễ cung hiến bức tượng. Một lần nữa, Gioan bị lưu đày, lần này đến Causasus thuộc Armenia.[18]

Giáo hoàng Innocent I phản kháng lệnh phát vãng nhưng không có kết quả.[19] Trong khi đó, những bức thư của Gioan gây xôn xao tại Constantinople, và ông bị lưu đày xa hơn, đến Pitiunt (vùng Abkhazia thuộc Gruzia), ở đây phần mộ của ông trở thành nơi hành hương. Gioan chết trên đường lưu đày. Lời nói sau cùng của ông là, "δόξα τῷ θεῷ πάντων ἕνεκεν" (Nguyện Thiên Chúa được vinh hiển trong mọi sự!).[17]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Gioan_Kim_Khẩu http://www.christopherklitou.com/the_easter_sermon... http://jewishencyclopedia.com/view.jsp?artid=497&l... http://www.orthodoxinfo.com/phronema/antisemitism.... http://www.fordham.edu/halsall/source/chrysostom-j... http://www.documentacatholicaomnia.eu/20_30_0345-0... http://ccel.org http://www.ccel.org/ccel/schaff/npnf202.html http://www.ccel.org/ccel/schaff/npnf202.ii.ix.xvii... http://www.ccel.org/fathers2/NPNF1-09/TOC.htm http://www.ccel.org/fathers2/NPNF1-10/TOC.htm